Chợ tình Sa Pa là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao ở vùng cao Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nước ta nói chung từ xa xưa. Phần lớn các dân tộc như Mông, Dao, Tày, Giáy…cu trú tại Sa Pa đều sống theo thung lũng Mường Hoa, nơi mà con sông Mường Hoa bắt nguồn từ những con suối nhỏ từ đỉnh núi Phan Xi Păng. Nước từ con sông giúp cho cộng đồng người thiểu số tại đây canh tác nông nghiệp cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Chợ tình Sapa
Chợ phiên thường họp mỗi tuần một buổi vào sáng chủ nhật. Đêm hôm trước (thường là ngày thứ 7 hằng tuần), nam thanh nữ tú ở các làng xã vùng xa đến trước buổi chợ để cùng qua đêm gặp gỡ, giao lưu tình cảm (thường là chơi trò kéo co, thổi khèn lá, hát giao duyên…) theo phong tục truyền thống của dân tộc mình. Sau đêm đi chơi chợ phiên, nhiều đôi trai gái đã trở nên thân thiết và hẹn gặp lại trong phiên chợ sau. Mùa xuân sau, trong số đó có không ít đôi đã trở thành bạn đời trăm năm. Có lẽ vì thế mà các nhà thơ ở Lào Cai gọi đó là những phiên chợ tình SaPa.
Chợ tình Sapa – Nơi hẹn hò giao duyên lãng mạn
Hai chữ “Chợ tình” đã đi vào cách hiểu của người dưới xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về hai từ lắp ghép này. Bởi lẽ, gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán. Nhưng cái tình ở đây không ai bán, cũng chẳng ai mua. Vậy, đâu gọi là chợ!