Thị trường bất động sản (BĐS) đang rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Giá bán nhà, đất ở nhiều nơi đang giảm rõ rệt. Theo một số chuyên gia, đây là thời điểm có thể “bắt đáy”.
Hàng tỷ đô la từ nước ngoài có thể sẽ chảy vào BĐS Việt Nam khi thị trường đang có giá tốt và an toàn, giá BĐS hiện tại đã được coi là chạm đáy và sẽ chỉ tăng dần chứ không thể có khả năng giảm nữa, nên ai có tiền đầu tư vào BĐS lúc này sẽ có nhiều lợi thế…, đó là đánh giá của các chuyên gia khi nói về thị trường BĐS giữa “mùa Covid”.
Thị trường bất động sản đang trầm lắng
Xuống tiền càng sớm càng lợi thế
Làm việc ở Pháp 8 năm, Bùi Huy Hoàng (35 tuổi, Hà Nội) có ý định mua một căn chung cư ở Lyon. Không nhiều người nước ngoài chọn cách làm như vậy nhưng với Hoàng, “an cư lạc nghiệp” vẫn là tư tưởng truyền thống. Tuy nhiên, khi cả châu Âu run rẩy vì Covid-19, suy nghĩ của chàng cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân đã thay đổi hoàn toàn.
“Chưa bao giờ tôi muốn về Việt Nam như bây giờ. Số tiền dành dụm được, tôi thừa sức mua một căn chung cư cao cấp ở Hà Nội thay vì chỉ một căn cỡ trung bình ở Lyon. Thu nhập ở Việt Nam có thể thấp hơn một chút so với trước nhưng bù lại, tôi tiết kiệm được nhiều hơn vì chi phí sinh hoạt ở Việt Nam khá rẻ”, Hoàng nói.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính như PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), kế hoạch trên thậm chí có thể sẽ thành xu hướng với nhiều người Việt ở nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đang làm tốt công tác kiểm soát Covid-19 được cả thế giới công nhận. Theo ông, nhiều người Việt ở nước ngoài sẽ muốn về Việt Nam làm việc sinh sống và kéo theo là dòng tiền lớn. “Có một căn nhà sẽ là ưu tiên hàng đầu, bởi thế, BĐS đang có cơ hội bùng nổ”, ông Thịnh nhìn nhận.
Ông dẫn thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy, liên tiếp 3 năm từ 2017-2019, Việt Nam đều thuộc top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Năm 2017 là 13,8 tỷ USD, 2018 là 15,9 tỷ USD, đến 2019 đạt 16,7 tỷ USD. Con số này sẽ không chỉ như vậy trong thời gian tới và chắc chắn, một phần không nhỏ trong số tiền khổng lồ kia đầu tư vào đất. Thị trường bởi thế sẽ nóng lên nhanh chóng.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thậm chí còn cho rằng, dòng vốn ngoại vào bất động sản không chỉ xuất phát từ người Việt mà còn của người nước ngoài. Theo ông, khủng hoảng ở các nước như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ sẽ nặng nề và chậm hồi phục hơn Việt Nam. Nhà đầu tư các nước này sẽ hướng ánh nhìn vào những thị trường hấp dẫn hơn.
“Hiện thủ tục mua nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam khá cởi mở. Rất nhiều dự án cao cấp mở bán chỉ sau 1 ngày đã chật kín người nước ngoài đặt chỗ. Việt Nam sẽ là nơi có tiềm năng sinh lợi tốt nhất trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Ai xuống tiền sớm sẽ có lợi thế lớn”, ông Đính lên tiếng.
Ở nhiều nơi, giá nhà, đất đã giảm rõ rệt
Đừng đợi “bắt đáy” thêm khi giá BĐS đã ở mức “giảm hết cỡ”
Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng mạnh đồng nghĩa giá nhà tại Việt Nam có thể sẽ nóng lên thời gian tới. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, mua nhà sớm với giá tốt là điều đang được nhiều người tính tới.
“Nhiều người sẽ mua được nhà với giá hợp lý trong thời điểm hiện nay, nhà đầu tư cũng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm tiềm năng cho giỏ hàng của mình”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về thị trường thời điểm hiện tại.
Thực tế, theo báo cáo mới nhất của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong quý 1 năm nay, giá bán căn hộ trung bình chỉ đạt 2.452 USD/m2, giảm 15% so với cuối năm ngoái. Rất nhiều chung cư vị trí đẹp, dịch vụ tốt trước đó, nếu muốn sở hữu, người dùng phải chấp nhận trả chênh vài giá thì nay đã có thể tiết kiệm được khoản tiền kha khá.
Đặc biệt, rất nhiều ngân hàng hiện đã có gói hỗ trợ cho khách hàng mua nhà với lãi suất giảm và kỳ hạn dài hơn. Nếu chớp được thời cơ này, người mua nhà bởi vậy sẽ có “lợi chồng lợi” khi vừa tìm được nhà giá tốt lại vừa nhận được mức hỗ trợ lớn hơn trước.
Cơ hội là có nhưng trên một số diễn đàn nhà đất, không ít gia đình ngần ngại rằng BĐS có thể tái diễn cảnh đóng băng như thời kỳ 2008-2009 và người mua nhà sẽ bị lỗ nặng khi bán. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, điều này hoàn toàn vô lý. Trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 1 thập kỷ, nguyên nhân bắt nguồn từ khu vực tài chính do vay nợ quá mức đi kèm với “bong bóng” bất động sản. Trong khi ấy, hiện tại, giá bất động sản đã được coi là “đáy” và chắc chắn sẽ có xu hướng tăng dần theo đúng quy luật.
TS Ánh nhận định, nhu cầu bất động sản với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam rất lớn và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong 15-25 năm nữa. Trong khi đó, thị trường lại đang được hưởng lợi nhờ rất nhiều nút thắt về thủ tục, quy trình đã được tháo gỡ ngay từ những tháng đầu năm 2020 như hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho condotel, officetel, quy chuẩn cho phép diện tích sử dụng của căn hộ chung cư từ 25 m2,…
Bởi thế, theo ông, trong bối cảnh biến động “hỗn loạn” của giá vàng, tỷ giá, lãi suất,…thì BĐS vẫn đang là kênh an toàn và tiếp tục hái ra tiền. Đặc biệt, những sản phẩm có đảm bảo chắc chắn về pháp lý, có tính thanh khoản cao và do những nhà phát triển bất động sản có uy tín cung cấp đang có ưu thế tuyệt đối.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, BĐS là một trong số ít kênh đầu tư rất được quan tâm bất chấp hoàn cảnh. Bởi, “Nó xuất phát từ nhu cầu của thị trường, của chính cuộc sống. BĐS thường là tài sản lớn, khả năng sinh lời không nhỏ”, TS Thành phân tích.
Vì thế, với kinh nghiệm lăn lộn nhiều năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, hiện nhà đầu tư đang “găm” khá nhiều tiền chờ bung ra. Ngay từ bây giờ, ai có tiền đổ vào BĐS người đó sẽ làm “vua” – ông Đính kết luận.
Nguồn Dân trí