Dân tộc Giáy

1567 lượt xem

  1. Tổng quan
    Dân tộc Giáy thuộc nhóm các dân tộc Tày – Thái. Người Giáy từ Trung quốc di cư sang Việt Nam cách đây khoảng 200 năm. Tập trung ở các bản quanh thung lũng Tả Van – một trong 5 bản làng địa điểm du lịch Sa Pa nổi tiếng. Người Giáy, còn được gọi là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ, là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Người Giáy ở Lào Cai nói nhẹ nhàng, tự gọi tên dân tộc mình là Pú Dáy. Còn tiếp đó là Cấn Dẳng là tiếng của người Tày sống gần với người Giáy, tiếp đó là người Kinh gọi Dẳng thành Nhắng. Người Pâu Thìn, Pú Nà mặc trang phục như người Giáy, dùng lời hát, thơ ca, tục ngữ, đồng dao như người Giáy (Pú Nà ở Lai Châu) nhưng tiếng Pú Nà người Giáy không nghe được, Dáy Củi Chu tiếng nói cũng khác. Còn Xa Dìn là tiếng Quan Hỏa địa phương dùng để chỉ tên người Giáy. Người Giáy nói tiếng Bố Y, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai-Kadai.Dân số người Giáy tại Việt Nam theo điều tra dân số năm 2009 là 58.617 người.

2.Trang phục
Trang phục Giáy được chọn chủ yếu là ở trang phục nữ với loại áo ngắn xẻ nách viền cổ trang trí đậm nét. Một số tộc người ở nước ta (phía bắc) có mặc loại áo xẻ nách (thường là áo dài), số áo ngắn loại này không nhiều như người Nùng… Tuy nhiên đây là loại áo với kỹ thuật “xẻ nách” và phong cách trang trí ở đường viền cổ, tuy không cầu kỳ nhưng là một sắc thái riêng cho loại áo này về kỹ thuật và mỹ thuật.

2.1 Trang phục nam
Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới, một túi trên bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Nam mặc quần ống đứng (rộng 35 – 40 cm), cạp to bản, không dũng dây cút mà chỉ vận vào người. Trước đây nam giới thường quấn khăn trên đầu. Có nhóm nam cũng mặc áo xẻ nách.

2.2 Trang phục nữ
Phụ nữ Giáy phổ biến mặc loại áo ngắn xẻ nách. Đây là loại áo ngắn trùm kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng. Cổ áo đường viền xẻ nách từ vai trái sang phải được viền và trang trí vải khác màu (thường là tương phản với nền áo) cũng như ở hai vai, giữa cánh tay và cửa tay. Cũng có loại áo như trên nhưng lại để chàm hoặc trắng nguyên không trang trí. Aáo mặc trong là loại áo cánh ngắn cộc tay, xẻ ngực, cổ tròn thấp và có hai túi dưới. Aáo xẻ nách cài cúc vải được tết cẩn thận với nhiều loại đẹp mắt. Phụ nữ Giáy thường đội khăn quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc. Nhóm Giáy Lao Cai, Lai Châu mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng. Tóc vấn theo kiểu vành khăn và thường đeo túi vải thêu hoa văn phổ biến ở đáy túi là hình răng chó. Phổ biến đi loại giày vải thêu hoa văn nhiều loại.

  1. Tập tục
    3.1 Hoạt động sản xuất

    Người Giáy làm ruộng nước là chính, rẫy chỉ là nguồn thu nhập thêm và thường cũng là chỗ chăn nuôi lợn, gà. Người Giáy nuôi nhiều trâu, ngựa, lợn, gà, vịt, có truyền thống dùng ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu kéo cày, kéo gỗ.
    Người Giáy vốn có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao v.v… Có nhiều truyện giải thích hiện tượng tự nhiên, có nhiều truyện thơ dài, có truyện kết hợp lời kể với lời hát. Dân ca phong phú, gồm nhiều loại, mỗi loại có nhiều bài, điệu khác nhau, đặc biệt các hình thức hát giao duyên nam nữ là sinh hoạt sôi nổi và hấp dẫn.

3.2 Nhà ở
Hiện nay người Giáy ở nhà đất vẫn còn dựng một sàn trước cửa để sử dụng. Nhà sàn hay nhà đất, gian giữa đều là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng các cặp vợ chồng trong gia đình quay ở các gian bên. Phụ nữ không nằm gian giữa. Bếp thường đặt ở gian bên; nay có nhiều nơi đã làm nhà để đun nấu riêng.

3.3 Ăn
Ăn cơm tẻ. Gạo được luộc cho chín dở rồi mới cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Nước luộc gạo dùng làm đồ uống. Cách chế biến món ăn, nhất là ăn trong ngày lễ, ngày tết chịu ảnh hưởng sâu sắc của người Hán.

3.4 Phương tiện vận chuyển
Họ gánh bằng dậu, dùng ngựa thồ, trâu kéo.
3.5 Cưới xin

Gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối, ăn hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ ăn hỏi nhà trai đưa cho nhà gái một vòng cổ và một vòng tay để “đánh dấu”. Trong lễ cưới ngoài chi phí cho ăn uống, nhà trai còn phải mang cho nhà gái một số thực phẩm và tiền để làm quà tặng họ hàng gần; mỗi người một con gà, một con vịt và một đồng bạc trắng. ở người Giáy cũng có tục kéo vợ như người Hmông.
3.6 Sinh đẻ
Khi có thai phụ nữ phải kiêng nhiều thứ: không đun củi từ ngọn lên gốc (sợ đẻ ngược), không đến đám tang hay nơi thờ cúng (sợ mất vía). Gần đến ngày đẻ, họ phải cúng mụ. Trẻ đầy tháng cúng báo tổ tiên, đặt tên và lập lá số cho trẻ để sau này đem so tuổi khi lấy vợ, lấy chồng và chọn giờ nhập quan, hạ huyệt khi chết đi

3.7 Ma chay
Người Giáy cho rằng khi người ta chết, nếu ma chay chu đáo thì sẽ được lên trời sống sung sướng cùng với tổ tiên, nếu không sẽ bị đưa xuống âm ti hoặc biến thành con vật. Vì thế, ở những gia đình khá giả đám tang có thể kéo dài tới 5-7 ngày và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo… Con cái để tang bố mẹ một năm. Lễ đoạn tang thường được tổ chức vào dịp cuối năm.

3.8 Thờ cúng
Bàn thờ đặt ở gian giữa, thường có ba bát hương theo thứ tự từ trái sang phải thờ táo quân, trời đất và tổ tiên. Trong trường hợp chủ nhà là con nuôi hay con rể thừa tự muốn thờ họ bố mẹ đẻ thì đặt thêm một bát hương ở bên trái. Những gia đình không thờ bà mụ trong buồng thì đặt thêm một bát hương ở bên phải. Ở một số gia đình ngoài bàn thờ lớn còn đặt một bàn thờ nhỏ để thờ bố mẹ vợ. Phía dưới bàn thờ lớn ngay trên mặt đất đặt một bát hương cúng thổ địa, ở hai bên cửa chính có hai bát hương thờ thần giữ cửa.

3.9 Lễ tết
Người Giáy ăn Tết như các dân tộc ở vùng Ðông Bắc: Tết Nguyên đán, Thanh minh, Ðoan ngọ…

3.10 Lịch
Người Giáy theo âm lịch .

3.11 Học
Người Giáy chưa có văn tự, chỉ có một số rất ít người biết chữ Hán.

3.12 Văn nghệ
Trong kho tàng văn nghệ của người Giáy có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, đồng dao, phong dao… Ở người Giáy có ba kiểu hát mà họ gọi là “vươn” hay “phướn” hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn…

  1. Ẩm thực
    Trong văn hóa ẩm thực của người Giáy Tả Van (Sa Pa) có rất nhiều món ăn mang tính biểu tượng văn hóa. Chúng không chỉ đẹp về hình thức, màu sắc, ngon bổ về thành phần dinh dưỡng, cầu kỳ trong cách chế biến với rất nhiều gia vị và phụ gia phong phú, mà chúng còn truyền tải ý nghĩa nhân văn, những biểu tượng mang tính văn hóa cho cả cộng đồng. Trong bữa ăn hàng ngày của người Giáy thường có món xào và món canh. Khi có khách thì thêm món luộc, rán. Ngày lễ Tết có thịt quay, thịt nướng, chả và không thể thiếu món khâu nhục. Đến Tả Van, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc do chính tay họ chế biến như: xôi ngũ sắc, khâu nhục, thịt lợn nướng, nộm rau dớn, măng chua nấu vịt, canh sắn nấu cá…

 

4.1 Xôi ngũ sắc

Món xôi ngũ sắc được làm từ lá cây rừng. Màu đỏ có lá kim long, màu tím cẩm thì có cây chẳm, màu xanh chắc chắn phải có lá gừng, còn màu vàng, chỉ có nghệ mới cho một màu ruộm nắng. Quá trình làm “chất tạo màu” cũng thật cầu kỳ. Lá cây rửa sạch đem vò thật nát. Mỗi một loại lá đem vò ở một chậu khác nhau. Riêng nếu lấy củ nghệ, phải giã nhuyễn. Sau đó, nước lã đun sôi, đổ vào từng chậu. Khoắng đều hỗn hợp nước – lá, sau đó đem hỗn hợp nước này lọc qua tấm vải sạch. Nước màu giữ lại, cho gạo nếp nương vào ngâm cho ngấm. Gà gáy canh 4 – canh 5, dậy đồ xôi. Đồ xôi cũng lắm công phu, người Giáy ở Tả Van vẫn đồ xôi bằng củi, bằng chõ gỗ. Ngoài đồ xôi bằng chõ, người Giáy có thể làm chín xôi bằng cách cho gạo trong ống tre, nướng chín, bà con hay gọi là lam xôi.
4.2 Khâu nhục

Khâu nhục là món ăn không thể thiếu trong các đám cưới hỏi, lễ tết của người Giáy Tả Van. Đây là món ăn được chế biến theo quy trình vô cùng cầu kỳ, tốn thời gian, phải đầy đủ các loại gia vị cần thiết, dù thiếu một thứ cũng không thành vị món khâu nhục. Thịt lợn ba chỉ rửa sạch, cắt miếng to chừng 0,5 kg, luộc sơ qua, vớt ra, rồi dùng tăm tre đâm nhiều lỗ qua lớp bì để khi nấu được ngấm gia vị sau đó đem quay, vừa quay vừa phết mật ong cho vàng bì. Nếu không có dụng cụ để quay thì đem chiên trên chảo mỡ nóng, chỉ chiên phần bì cho vàng, giòn. Vớt ra, thái thành miếng dày chừng 2 ngón tay, mỗi miếng đều có bì, mỡ, thịt. Hỗn hợp gia vị để nấu khâu nhục rất cầu kỳ, gồm hành, tỏi, gừng, húng lìu băm nhuyễn, đường, tiêu, dầu hào, ngũ vị hương, một ít rượu trắng… Không thể thiếu dưa chua – một loại rau muối mặn của người Giáy băm nhỏ nấu kèm. Cho thịt đã thái cùng hỗn hợp trên vào xoong lớn, ướp chừng 15 phút cho ngấm hết gia vị rồi cho vào nồi hấp từ 5-6 giờ đồng hồ. Để có món khâu nhục chuẩn ngon, đúng vị miếng thịt khi đưa vào miệng mềm, ngậy dậy mùi vị của ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, hạt tiêu…

4.3 Thịt lợn nướng

Thịt lợn nướng là món ăn khá phổ biến ở nhiều dân tộc. Song ở đồng bào dân tộc Giáy Tả Van được chế biến khá độc đáo và riêng biệt. Để quay được một con lợn ngon đạt yêu cầu thường phải quay trên lò khoảng 6 giờ. Khi toàn bộ da vàng sẫm và đều, cảm giác da giòn khi gõ đũa vào phần da, đồng thời kiểm tra bên trong bằng cách tháo một nút lạt khâu phía bụng của lợn ra xem, dùng đũa xâm nhẹ vào phần thịt sáng nhất mà thủng thì thịt lợn quay đã đạt. Gia vị của món lợn quay là tổng hợp nhiều thứ. Đó là hành củ, địa liền, gừng, hạt tiêu, hoa hồi, hạt dổi, một chút mẻ. Tất cả được giã nhỏ cho vào đó muối, mắm cùng với chút rượu để tạo độ thơm. Sau khi trộn đều gia vị vào một bát to rồi sát đều khắp phía trong của lợn. Để sau 30 phút gia vị ngấm vào thịt thì bắt đầu quay. Gia vị có vai trò rất quan trọng, nó quyết định tới chất lượng của lợn quay. Đồng thời các khâu tiến hành cũng phải thật chu đáo, tỉ mỉ. Việc nhấc lợn quay từ lò đứng ra để kiểm tra cần tránh va vào thành lò, đồng thời phải thật nhẹ nhàng tránh làm sứt thịt và khỏi bị móc rời ra. Món thịt quay được bà con Giáy dùng trong các dịp như đám cưới, đám tang, lễ hội.

 

4.4 Nò lạp

Ẩm thực của người Giáy rất phong phú và đa dạng. Nhiều món ăn độc đáo và sang trọng. Cũng có món ăn rất dân dã, nhưng đôi khi lại trở thành món ăn đặc sản đối với thượng khách. Đó là món ăn thịt lợn hun khói, người Giáy gọi là “Nò lạp”. “Nò lạp” không chỉ là món ăn truyền thống của đồng bào Giáy, mà còn là món ăn cổ truyền đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung.
Thịt lợn hun khói là món ăn dễ làm và mùa nào cũng có thể làm được. Nhưng làm thịt hun khói đúng mùa thì bao giờ cũng thơm, ngon hơn. Nếu làm trái mùa thì đôi khi thịt bị ôi và ăn không được ngon, không có mùi thơm. Vào mùa đông, người ta thường hay làm thịt hun khói. Riêng người Giáy, chỉ khi mổ lợn tết thì mới ướp thịt để hun khói.

4.5 Nộm rau dớn
Rau dớn thuộc họ dương xỉ, mọc tự nhiên trong các thung lũng, triền núi hay bên ven suối. Từ lâu người dân tộc Giáy coi rau dớn là một món rau không thể thiếu trong những bữa ăn hàng ngày. Rau dớn chỉ được người hái và mang ra chợ bán vào buổi chiều bởi vì theo họ, loại rau này hái vào thời điểm đó sẽ ít nước và giòn hơn khi ăn. Đặc biệt, khi héo, rau dớn ăn sẽ ngon hơn rất nhiều. Rau dớn được chế biến ra rất nhiều món ăn ngon như nộm, nấu canh cá cùng lá vón vén, xào tỏi cùng ngọn đu đủ đực và quả cà dại. Mỗi món có một vị ngon và sự hấp dẫn riêng. Món nộm rau dớn cũng là một món ăn mang đậm bản sắc của người Giáy. Rau dớn khi được hái về, phơi nắng cho hơi héo rồi chần qua bằng nước sôi, bóp qua muối, vắt kỹ, và trộn cùng vừng lạc, tỏi, ớt, giấm, đường. Khi ăn không còn vị nhớt, vị hăng của rau mà rất thơm ngon mang hương vị núi rừng.

4.6 Rau cải mèo

Nhìn giống cải ngọt miền xuôi, lá dài màu xanh sậm, viền lá uốn lượn gần giống răng cưa, thuộc họ rau có bẹ. Đây là loại rau đặc sản được thiên nhiên ban tặng cho người dân miền đất Sa Pa. Nó có sức sống mãnh liệt, có thể sinh trưởng trên nhiều địa hình đồi núi dù rất xấu. Đặc biệt, cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, được xem là bữa ăn chính của người dân vùng cao Sa Pa. Rau cải mèo có nhiều cách chế biến khác nhau như luộc, xào tỏi, nấu canh hoặc ăn lẩu. Vị của cải Mèo rất ngọt và lá ăn rất giòn. Nếu có dịp đến Sa Pa bạn hãy ghé đến một gia đình người Giáy ở Tả Van, nếu được mời ở lại ăn cơm, bạn sẽ được tiếp đãi món rau cải ngon tuyệt này.

Đối với đồng bào Giáy, món ăn thể hiện sự thân thiện, vui vẻ và là cách mở rộng kết giao trong sinh hoạt cộng đồng. Khi người Giáy Tả Van làm du lịch đã đưa các món ăn độc đáo phục vụ du khách cũng là cách để lại ấn tượng cho du nhớ mãi đến Tả Van./.

4.7 Bánh

Bánh khảoBánh chưng gù

Ẩm thực của mỗi dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, trong đó có nhiều món bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.
Vào dịp Tết ở Lào Cai, nếu như người dân tộc Bố Y có bánh khoải, người Mông có bánh dày, người Tày có bánh chưng đen…, cộng đồng người Giáy lại không thể thiếu được ba loại bánh: Bánh bỏng, bánh khảo và bánh chưng gù,bánh rợm.

 

Bánh bỏngBánh rợm

5 Văn hoá, lễ hội
5.1 Lễ hội nào cống

Lễ hội nào cống là lễ hội của các đồng bào dân tộc thiểu số H’Mông, Dao, Giáy. Xuất hiện từ thập kỷ 50 về trước, Tả Van có một ngôi miếu thờ 3 gian. Ngôi miếu dựng ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van Giáy. Ngôi miếu trở thành địa điểm tổ chức lễ “Nào Cống” của cả vùng thung lũng Mường Hoa.
Lễ hội thường tổ chức hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch.
Lễ vật trong lễ hội dân cúng là trâu đen, lợn đen và gà vịt do các làng đóng góp mua. Làng Tả Van Giáy còn có trách nhiệm chuẩn bị vàng hương, bát đĩa dâng cúng.
Trong lễ hội , mọi người dự lễ đều vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy và cùng ăn với nhau ở ngoài miếu. Trong miếu, chỉ có các chức dịch (lý trưởng, phó lý, thầy mo) được ngồi ăn. Trong làng, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về. Lễ “Nào Cống” có 3 phần: Phần nghi lễ cúng thần, phần công bố quy ước chung cả vùng và phần ăn uống. Sau đó kết thúc lễ hội.

5.2 Lễ hội roóng poọc

Lễ hội roóng poọc là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Giáy, Sa Pa, Lào Cai. Mục đích để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa.
Sáng ngày hội, mọi người hồ hởi về dự hội. Địa điểm mở hội là một khu ruộng tương đối bằng phẳng phía đầu bản. Trung tâm hội dựng cây còn cao vút bằng cây mai có một vòng tròn trên ngọn. Vòng tròn đó một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, một mặt dán giấy vàng tượng trưng cho Mặt Trăng. Mâm cúng của thầy mo gồm các lễ vật tượng trưng cho sự no ấm như: vải, trứng, măng, bạc trắng và 6 quả còn của các cô gái chưa chồng.
Lễ cúng kết thúc dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các chò chơi mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu.

Trò chơi ném còn: Những người cao tuổi (nam một bên, nữ một bên) lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng 3 lần khai mạc, rồi sau đó mọi người vào cuộc chơi. Những quả còn tua xanh đỏ được ném vào phông còn. Phông còn bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tươi tốt.
Trò chơi kéo co cũng bắt đầu bằng hình thức kéo nghi lễ. Tốp nam đứng phía đông cầm phần gốc dây song (dây kéo co). Tốp nữ đứng phía tây cầm phần ngọn. Hồi trống kèn nổi nên thúc giục. Bên nam (đằng đông tượng trưng cho dương, mặt trời) luôn kéo thắng. Bên nữ (tượng trưng cho âm) giả vờ thua. Và như vậy, năm đó cả làng sẽ được mùa. Các trò chơi đang tiếp diễn, thì những đôi nam nữ lặng lẽ rút khỏi cuộc chơi tìm góc vắng tâm tình qua đàn môi, tiếng khèn, lời hát.

Các tin liên quan

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
0985.939.885