DÂN TỘC XA PHÓ – LÀO CAI

2342 lượt xem

Dân tộc Xa Phó thuộc nhóm người Phù Lá, có dân số ít nhất ở Sa Pa, chỉ chiếm 1,06%. Người Xa Phó thường sống tập trung bên các nương ngô, gần các cánh rừng thưa ở xã Nậm Sài, phía Nam của huyện Sa Pa.

Cách bài trí trong nhà của người Phù Lá cơ bản giống nhau, bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa nơi nối hai tấm vách, bên cạnh có mở một cửa giả, gọi là “cửa ma”, nơi thờ có cắm vài cái lông gà, một tờ giấy vàng và một gói lá nhỏ giắt trên liếp, cửa này chỉ mở ra khi cúng lễ, đây chính là nơi thờ tổ tiên của đồng bào, vị trí quan trọng nhất trong nhà và là nơi diễn ra lễ cúng tổ tiên chính thức vào dịp tết Nguyên đán. Nhà sàn có cửa lên xuống ở hai đầu hồi. Nhà đất mở ở chính gian giữa. Ngoài nhà ở các gia đình đều đã làm nhà phụ để chứa thóc trên nương rẫy. Phương tiện xay giã hiện nay vẫn còn phổ biến giã bằng tay hoặc bằng cối nước.

Kinh tế truyền thống của người Xa Phó là kinh tế tự cung tự cấp, chủ yếu dự vào nương rẫy kết hợp với kinh tế vườn rừng. Đồng bào cũng phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà….Ngoài ra còn nuôi cá trong các thùng đấu nhỏ ở gầm sàn, ở ao và ruộng nước.

Các nghề phụ gia đình ở đồng bào Xa Phó cũng khá phát triển. Đáng chú ý hơn là nghề đan lát bằng mây tre, trúc, các đồ đựng quần áo, thức ăn….với nhiều loại, tạo dáng hoa văn màu sắc sặc sỡ được sử dụng trong gia đình và được mang trao đổi mua bán. Đàn ông người Xa Phó rất giỏi làm nỏ và bắn nỏ, nhất là kỹ thuật sản xuất và sử dụng tên tẩm thuốc độc để săn bắt thú lớn. Phụ nữ lo việc trồng bông dệt vải, tự túc trang bị vải mặc cho gia đình. Trong các khâu đoạn dệt họ không dùng sa quay sợi mà dùng tay kéo con trượt. Dụng cụ sản xuất là cày, cuốc, dao tay, dao phát nương…

Về văn hóa ẩm thực: Cơm tẻ là lương thực chính trong bữa ăn, gạo nếp thì nấu hoặc đồ xôi. Ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn và các loại củ như: Khoai sọ, củ mài, củ từ…Trong tiếp khách cũng như trong sinh hoạt thường ngày, đồng bào thích ăn các loại cá, các loại rau quả bầu, bí, ớt giã với các loại rau thơm, quả bùi. Thịt muông thú săn được, người ta sấy khô để dành thức ăn cho ngày mùa. Người Xa Phó có ý thức tương trợ lẫn nhau, từ việc phát nương, tra lúa, làm nhà ở, đến ma chay, cưới xin, nhà nào cũng có việc thì cả làng đến giúp.

Về trang phục của người Xa Phó, trước đây đàn ông thường để búi tóc trên đỉnh đầu và thường búi khăn, với trang phục nổi bật là chiếc áo xòe ngực, không có cổ riêng, thân áo được đính nhiều hạt cườm thành những hình chữ thập.

Trang phục của người phụ nữ đáng chú ý là áo chui đầu cổ vuông, áo ngắn, không che kín cạp váy nên có thêm dải thắt ngoài cạp, cổ áo, tay áo, thân áo, đều cắt thẳng không có đường lượn phần dưới và vạt áo đều thêu các hoa văn hình quả trám, hình vuông, hình tam giác và những hình gấp khúc được bố trí nhắc đi nhắc lại. Phần trên đính hạt cườm thành những đường thẳng song song kẻ xuống ngực và lưng. Thắt lưng của người phụ nữ được trang trí bằng toàn bộ vỏ ốc núi. Chiếc váy đều may kín phần cạp nhỏ hơn gấu, gấu váy được thêu nhiều đường hoa văn với nhiều kiểu loại. Xưa kia phụ nữ Xa Phó thường nhuộm răng bằng cánh kiến đỏ, họ coi đó là một yếu tố thẩm mỹ.

Tục cưới xin gồm nhiều nghi lễ phức tạp (Tùy theo từng nhóm mà có nghi lễ riêng). Thông thường phải qua mấy bước: Lễ đánh trống, lễ rạm hỏi, lễ ăn hỏi chính thức và lễ cưới. Nét đặc trưng nhất trong hôn nhân là tục buộc chỉ trắng cổ tay cho cô dâu, chủ rể và người dẫn đường (phù dâu, phù rể). Đứa trẻ khi mới sinh được bà đỡ và bố cầu mong cho mọi sự tốt lành. Ngày đặt tên do bố mẹ chồng buộc chỉ cho con dâu.

Tục ma chay của người Xa Phó có những nét rất riêng biệt. Mộ đã chôn rồi người thân tuyệt đối không được đến. Bàn thờ là một tấm vách nhỏ cài đặt chính giữa vách của gian giữa nhà (thẳng nơi đặt bếp). Các lễ cúng đặt mâm trước tấm cửa này và chỉ khi nào có người chết đột ngột, chết trẻ thì mới làm lễ mở của đuổi ma, đồng bào đưa tiễn người quá cố theo nghi lễ dân tộc trang trọng. Sau 12 ngày kể từ ngày mai táng gia đình quá cố làm lễ sửa mộ, người Xa Phó không có lễ bốc mộ, mỗi gia đình đều có một bếp chính đặt thẳng cửa ma. Mỗi khi cúng tổ tiên thì cúng bếp, bếp được đặt khi dựng nhà mới.

Về nhạc cụ tiêu biểu là trống, trống được bưng bằng da thú, có nhiều loại trống: trống đại, trung, tiểu. Trống đại hay dùng trong lễ hội, trong việc liên lạc bằng âm thanh của mỗi gia đình. Khi lên nương chỉ cần nghe tiếng trống là có thể biết được trống của nhà ai? Báo hiệu điều gì?…

Các loại nhạc cụ khá phổ biến là bộ hơi gồm: Khèn bầu (ma nhí) và các loại tiêu, sáo… Đặc biệt là sáo cúc kẹ (sáo mũi). Do sống trên những triền núi cao nên âm nhạc và các điệu múa cũng từ đó mà có cung, quãng hep. Khuân múa chủ yếu là khuân múa vòng tròn bước đi nhẹ nhàng, theo tiết tấu pha tạp của người Tày, Thái… “ Sập sập, xòe” được nhắc đi nhắc lại mô phỏng nhiều lần. Ca hát có hát sinh hoạt, hát ru con, ru em, hát giao duyên, hát mừng đám cưới, mừng được mùa.

Văn học dân gian, chuyện cổ, tục ngữ ca dao của người Xa Phó phản ánh tâm tư, tình cảm của người lao động, ca ngợi tình yêu chung thủy, ca ngợi tài năng trí tuệ của nhân dân.

Tết Khùi xì mờ của người Xa Phó

Theo lịch của người Xa Phó, một năm có 12 tháng. Tết Khui xi mơ được diễn ra vào đúng tháng Hâng Nớ Bơ (tức tháng con gà hay tháng 1). Như vậy, là trùng với ngày Tết cổ truyền của dân tộc Kinh. Người Xa Phó ăn Tết bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp (Âm lịch) đến hết rằm tháng Giêng, trong đó có 3 ngày Tết chính (mùng 1, mùng 2 và mùng 3), còn lại là Tết con, (từ ngày mùng 4 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch).

Vào ngày cuối năm, khi công việc đồng áng đã xong, các thành viên trong gia đình chuẩn chỉnh trang nhà của và quần áo chuẩn bị đón Tết. Một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với người Xa Phótrong ngày Tết đó là lễ cúng chiều 30 Tết. Thông thường, trong dịp này người Xa Phóthường mổ lợn để làm lễ cúng và phục vụ cho như cầu sinh hoạt cho gia đình trong những ngày Tết. Tùy theo điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình mà mổ lợn to hay lợn nhỏ khác nhau để làm lễ cúng. Cùng lúc đó, bên trong ngôi nhà, người con gái cả hay người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị gạo nếp và đỗ đen để nấu xôi. Xôi và thịt lợn là 2 thánh phần không thể thiếu trong mâm cúng chiều 30 Tết. Xôi được làm bằng gạo nếp thơm ngon trộn lẫn với đỗ xanh hay đỗ đen. Theo quan niệm của người Xa Phó, đỗ đen là tốt nhất.

Khi trời xế chiều, người Xa Phóbắt đầu Lễ vật chiều 30 Tết, chủ nhà đến mô đất cao trong khuân viên gia đình, hướng mặt lên trời đọc lời khấn “Xin trời âm dương, thiên, địa, xin tổ tiên về để gia đình làm lễ cúng chiều 30 Tết”. Lễ cúng diễn ra tại khu sàn phụ đối diện với của chính ra vào ngôi nhà. Mâm cúng chiều

30 Tết gồm thịt lợn, xôi, hương và rượu. Chủ nhà đọc lời cúng mời tổ tiên về ăn cơm uống rượu và cầu cho may mắn đến với gia đình. Sau đó, cả gia đình người Xa Phóquây quần bên bữa cơm cuối cùng trong năm. Theo phong tục của người Xa Phó, đây là bữa cơm rất quan trọng để đón người đi xa về với gia đình, để con cháu sum vầy bên ông bà, bố mẹ, cùng điểm lại những việc đã làm được trong 1 năm đã qua, vui mừng, hạnh phúc chuẩn bị đón chào một năm mới đang đến.

Ngày đầu của năm mới, lúc còn tờ mờ sáng, khi cả bảng làng vẫn còn chìm trong giấc ngủ, người con gái cả của gia đình dậy thật sớm, ra ngon nước đầu nguồn, hứng đầy ống bương đem về nhà. Đây là một tập quán độc đáo của người Xa Phó. Bởi họ cho rằng, đầu năm mới phải có nước mới, tinh khiết để trong nhà, cả năm mới, gia đình mới khỏe mạnh, sạch sẽ và thu được nhiều cái mới. Trên đường đi, người con gái này phải nhặt một viên đá cuội màu trắng lấy may mắn.

Sáng mồng 1 Tết, gia đình người Xa Phó tiến hành làm lễ cúng tổ tiên. Sau lễ cúng tổ tiên vào sáng mùng 1 đầu năm, theo quan niệm của người Xa Phó, ngày Tết là ngày được nghỉ ngơi và vui chơi, do vậy, các vật nuôi trong nhà, các công cụ lao động và con vật làm sức kéo cũng cần được nghỉ ngơi. Do vậy, sáng mùng 1 cũng không thể thiếu nghi lễ cho trâu bà ăn bánh Khui đen, một loại bánh được làm bằng lá cây Lúc lắc.

Trong ngày mùng Một đầu năm, người Xa Phócho rằng, nếu bản này sang bản khác chơi hay chúc Tết vào đầu năm, mọi của cải trong làng sẽ đi theo và làm cho bản mình bị đói kém suốt năm đó. Do vậy, sang ngày mùng hai, mùng ba Tết, dân làng bắt đầu đến các bản làng chúc tết. Sau khi uống với nhau chén rượu, ăn miếng bánh, miếng thịt và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới, gia đình sẽ tổ chức múa Xình Xi Bá hay còn gọi là múa Xòe và mời khách cùng tham dự. Vừa múa người ta vừa khấn cầu tổ tiên thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới sức khoẻ, mùa màng bội thu, trâu bò, lợn gà đầy chuồng… Múa Xình Xi Bá là nét văn hóa rất độc đáo, lâu đời của người Xa Phó, thể hiện tính cộng đồng cao. Nhạc cụ được sử dụng trong múa Xình Xi Bá là Ma Nhí hay còn được gọi là Khèn. Cùng với Sáo Cúc Kẹ hay sáo Mũi thì Khèn Ma Nhí chính là hai nhạc cụ độc đáo của người Xa Phómà không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác trên đất nước ta.

Ngày mùng bốn Tết, các bản làng tưng bừng mở hội, mọi người đắm mình tiếng khèn, tiếng sáo, trong các điệu xoè… Cùng với đó là những trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: hát đối đáp, đánh quay, bắn nỏ, chơi yến, ném còn… Các trò chơi được kéo dài cho tới rằm tháng Giêng mới kết thúc. Tuy nhiên, độc đáo nhất đối với người Xa Phóvẫn là trò đánh cầu. Quả cầu được làm bằng lông gà, có đế làm bằng lá chuối tươi đan vào nhau. Trong những ngày Tết, người Xa Phó rủ nhau đi chơi, chúc Tết nhau thành những nhóm rất đông, vừa đi vừa đánh cầu. Quả cầu được tung lên, các chàng trai cô gái dùng tay đánh chuyền từ người này sang người kia, trong tiếng cười đùa vui vẻ. Họ cố gắng đánh làm sao cho quả cầu bay càng cao và càng lâu trên không, càng may mắn.

Các tin liên quan

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
0985.939.885