Điểm sáng phát triển kinh tế và bất động sản Cô Tô

24 lượt xem

QNP – Huyện đảo Cô Tô, địa phương tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc. Nơi đây đã được Bác Hồ cho dựng tượng khi Người còn sống. Đến nay đời sống kinh tế, xã hội đặc biệt bất động sản Cô Tô phát triển mạnh mẽ và được biết đến như một viên ngọc sáng của vùng biển đảo Đông Bắc.  

Nếu ai đã một lần trước đây ra Cô Tô, nay có dịp trở lại chắc hẳn sẽ có những ấn tượng nhất định về cơ sở hạ tầng, đời sống dân sinh của huyện đảo. Từ một huyện khó khăn, được tách ra từ huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn), cuộc sống người dân phụ thuộc chủ yếu vào ngư trường khai thác thủy sản, thì nay huyện đảo Cô Tô phát triển đa dạng các ngành nghề, với cơ cấu kinh tế chính là dịch vụ du lịch, khai thác, chế biến thủy hải sản.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư

Vấn đề hạ tầng cơ sở, phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện Cô Tô đặc biệt quan tâm, chú trọng trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện và HĐND. Trong tư duy, suy nghĩ của các thế hệ lãnh đạo huyện và người dân huyện đảo, một địa phương không có cơ sở hạ tầng đảm bảo, chất lượng, đáp ứng kịp nhu cầu của cuộc sống thì đời sống kinh tế, xã hội, dân sinh không thể phát triển được. Do vậy, chỉ tính trong 5 năm gần đây, từ năm 2011 – 2015, huyện Cô Tô tranh thủ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh tập trung đầu tư xây dựng các công trình theo hướng hiện đại, phù hợp với huyện đảo. 

Khai thác bền vững tiềm năng, thế mạnh

Cô Tô có vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng mà hiếm nơi nào có được. Bằng những cách làm sáng tạo, huyện Cô Tô đã biến tiềm năng đó thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trước đây người dân Cô Tô chỉ dừng lại ở việc khai thác đánh bắt thủy sản, thì nay người dân Cô Tô đã biết dùng nguồn lực của mình để đầu tư, xây dựng các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch phục vụ du khách ra đảo.

Từ một huyện có cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch thấp kém, thì nay, cơ sở hạ tầng được người dân và nhiều tổ chức đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Những bãi tắm đẹp, như Vàn Chảy, Hồng Vàn… trước đây ít người biết đến, thì nay được người dân đầu tư, khai thác một cách bền vững trong sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng huyện Cô Tô.

Với vẻ đẹp hấp dẫn từ thiên nhiên và sự quan tâm đầu tư về hạ tầng du lịch, lượng khách du lịch ra với Cô Tô tăng theo từng năm. Nếu như năm 2010, Cô Tô chỉ có 3.500 lượt khách du lịch ra đảo, thì đến năm 2015, lượng khách du lịch ra Cô Tô đạt trên 180.000 lượt, tăng trên 50 lần so với năm 2010. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch của huyện Cô Tô trong giai đoạn 2011 – 2015 đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng/năm. Hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã giải quyết cho trên 30% lao động tại địa phương.

Cùng với du lịch, người dân huyện Cô Tô đã biết tận dụng ngư trường biển để khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Trung bình mỗi năm, sản lượng thủy sản mà người dân Cô Tô khai thác, nuôi trồng đạt trên 10.000 tấn. Năm 2015, sản lượng thủy sản cả huyện đạt 13.000 tấn, vượt 200% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã đề ra. Tổng giá trị của ngành thủy sản huyện Cô Tô trong 5 năm (2011 – 2015) đạt trên 440 tỷ đồng. Từ những kết quả có được trong hoạt động du lịch và lĩnh vực thủy sản, thu nhập bình quân đầu người của huyện Cô Tô tăng từ  900 USD năm 2010, lên 2.050 USD vào năm 2015, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh vững chắc./.

 

Các tin liên quan

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
0985.939.885