Ngày nay, du lịch văn hóa cộng đồng phát triển bền vững tại một số vùng miền. Đặc biệt, nó phù hợp với cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo đó, khách du lịch sẽ tự tìm tới vùng miền đó để nghỉ dưỡng và khám phá về các lịch sử văn hóa, ẩm thực hay thăm quan thắng cảnh, nét đẹp của văn hóa bản địa.
Bài viết này sẽ giúp người đọc khám phá du lịch văn hóa cộng đồng tại Hà Giang, Lào Cai và Sơn La, là những tỉnh miền núi phía Bắc đi đầu về hình thức du lịch gắn liền với phát triển bền vững này.
Hà Giang – Du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới
Hà Giang – mảnh đất địa đầu nơi biên cương của Tổ quốc là nơi cư trú của 22 dân tộc, trong đó mỗi dân tộc đều bảo tồn và lưu giữ những giá trị, sắc thái văn hóa riêng, tạo nên bản sắc đặc trưng mà không phải vùng đất nào cũng có được. Với những lợi thế đó, Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, như bước đột phá trong phát triển du lịch của địa phương. Ðến nay, Hà Giang đã xây dựng được nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng tại hầu hết các huyện trong tỉnh, tiêu biểu là các làng Tiến Thắng, Hạ Thành (TP. Hà Giang); Nậm Hồng và Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì)…
Điển hình là làng văn hóa du lịch Hạ Thành, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Ðến Hạ Thành, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những đồi cọ xanh biếc, những tảng đá cổ nằm rải rác khắp các thửa ruộng bậc thang hay dòng thác Nậm Tha ngày đêm ào ào nước chảy. Ðến đây, du khách còn có dịp tham gia chương trình du lịch “30 phút làm công dân thôn Hạ Thành” với nhiều hoạt động thú vị như: Nghỉ đêm tại nhà dân, câu cá, làm nương, thưởng thức các món ăn dân dã hay tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như: múa sen, hát cọi, hát then, hát giao duyên…
Lào Cai – du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái và văn hóa
Nằm ở vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc, mang trong mình nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, Lào Cai là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân bản địa. Thực tế cho thấy, du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến Lào Cai thường thích đi thăm những bản làng dân tộc thiểu số để cùng sống và sinh hoạt với dân bản, cùng dân bản nấu ăn, trải nghiệm các công việc nhà nông, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian và mua những sản phẩm thổ cẩm, mỹ nghệ, mây tre đan làm quà lưu niệm.
Các điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Pa và Bắc Hà, tiêu biểu là: xã Tả Van, Tả Phìn, Nậm Sài (huyện Sa Pa); Bảo Nhai, Na Hối, Tà Chải (huyện Bắc Hà)… Mô hình du lịch cộng đồng Lào Cai dựa trên nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa để xây dựng khai thác một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa ruộng bậc thang Lào Cai trong chương trình “Hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa ruộng bậc thang – Tây Bắc” dựa trên di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa và ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả (Bát Xát); sản phẩm “Chợ phiên vùng cao” dựa trên những phiên chợ truyền thống: Bắc Hà, Cán Cấu, Si Ma Cai, Mường Hum, Y Tý…
Và một trong những điểm du lịch cộng đồng mang đặc trưng, sắc thái văn hóa riêng, nổi bật ở Lào Cai là bản Tả Van Giáy, xã Tả Van (huyện Sa Pa) nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa 8km về phía Nam. Hầu hết các hộ trong bản đều làm du lịch cộng đồng. Bất kỳ ai đã một lần đến với Tả Van Giáy, hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh những nương ngô xanh mướt đang trổ bắp, những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn trải dài lưng chừng núi, những bữa cơm dân dã ấm áp tình người hay những khuôn mặt hồn hậu, chân chất của con người nơi đây.
Với những đặc trưng riêng về cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc, mỗi địa phương đã lựa chọn những hướng đi khác nhau nhằm phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa. Ðể loại hình du lịch này ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách hơn nữa, các tỉnh cần có sự liên kết chặt chẽ, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn riêng của mỗi địa phương.
Sơn La – Du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái
Bản Hụm (xã Chiềng Xôm) chỉ cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 3km. Nơi đây có cảnh quan sơn thủy hữu tình với cánh đồng lúa, hang Thẩm Liêng và dòng Nậm La uốn lượn thanh bình. Bản Hụm hiện còn lưu giữ khá nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của người Thái – về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực… Đến với bản Hụm, du khách có thể tham gia các hoạt động sản xuất cùng bà con như làm ruộng, bắt cá hoặc leo núi, khám phá hang động. Nếu muốn gia tăng trải nghiệm, du khách có thể di chuyển khoảng 5km để đến với bản Mòng (xã Hua La), nơi có dòng suối nước nóng quanh năm ở mức nhiệt 36 độ C – 38 độ C, với các thành phần khoáng chất tự nhiên rất tốt cho sức khỏe…
Xuôi theo hướng từ Sơn La về Hà Nội khoảng 140km, bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu) là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Không chỉ sở hữu khí hậu trong lành, cảnh sắc thơ mộng với khu du lịch sinh thái rừng thông, nơi đây còn có hồ nước trong xanh suốt bốn mùa. Vào mùa hoa ban nở, du khách sẽ được tham gia lễ hội Hết chá, lễ hội Mừng cơm mới, ở nhà sàn truyền thống và ngủ trên đệm bông gạo hay được tự tay trải nghiệm dệt vải thủ công.
Nổi tiếng không kém bản Áng là bản du lịch sinh thái cộng đồng xã Ngọc Chiến (huyện Mường La). Nằm ở độ cao trên 1.600m so với mặt nước biển, cách công trình thủy điện Sơn La khoảng 40km, Ngọc Chiến có khí hậu 4 mùa trong ngày. Đến với Ngọc Chiến, du khách được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn làm từ gỗ pơ mu theo lối kiến trúc truyền thống, được ngâm mình trong nước suối khoáng nóng giữa không gian của núi rừng, thưởng thức những món hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp thơm dẻo cùng rượu sơn tra thơm ngọt…
Qua tất cả những ví dụ cụ thể trên, ta có thể thấy du lịch văn hóa cộng đồng sẽ là xu thế du lịch lâu dài trong tương lai.