Không giống với sự đô thị hóa của các khu du lịch khác trong cả nước, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) vẫn giữ được vẻ hoang sơ, lãng mạn vốn có. Cả quần thể di tích được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, cùng bản sắc văn hóa dân tộc Tày độc đáo.
Tân Lập ngày ấy… bây giờ
Những ngày tháng 5 lịch sử này, theo dấu chân Bác Hồ ngày xưa, chúng tôi trở về thôn Tân Lập. Nhìn qua bóng cây đa lịch sử, xuyên qua những cánh đồng lúa chín vàng, làng dân tộc Tày sống quần tụ dưới chân núi Hồng với những nếp nhà sàn lợp lá cọ
truyền thống hiện lên thật đẹp. Theo các cụ cao niên trong làng kể, Tân Lập trước kia có tên là Kim Long, tức “Rồng vàng” với 23 nóc nhà. Câu ca xưa miêu tả rõ quang cảnh của làng: “Kim Long cảnh đẹp như tiên/Ai mà đến đó thì quên đường về”.
Trong văn hóa của người Việt, cây đa, bến nước, sân đình là những thứ thân quen, thiêng liêng của văn hóa làng xã Việt Nam. Dân gian thường nói “thần cây đa, ma cây gạo”. Tín ngưỡng thờ đa thần của người Tày, trong đó có tục thờ thần cây được thể hiện rõ nét ở Tân Lập. Ngoài giữ gìn cây đa Tân Trào tỏa bóng linh thiêng. Dân làng còn chọn đất tốt dựng đình Kim Long, nay là đình Tân Trào. Đình thờ Thành hoàng làng, hàng năm người dân trong làng vẫn đều đặn tổ chức Lễ hội Cầu mùa, chơi tung còn với ước vọng của dân làng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, khỏe mạnh.
Làng Tân Lập hiện nay có 182 hộ với 802 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày. Năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng, bảo tồn làng Tân Lập thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Vì vậy, xã đã quyết liệt bảo tồn được 33 ngôi nhà sàn truyền thống. Nhiều người trong thôn vẫn muốn làm nhà sàn, nhưng hiện nay nguồn gỗ khan hiếm. Gần đây, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tân Lập có tổng cộng 20 ngôi nhà sàn được hỗ trợ trên 2 tỷ đồng làm mới và sửa chữa theo kiểu bê tông cốt thép. Trong đó, có 11 nhà sàn của người Tày được hỗ trợ từ 100 đến 200 triệu đồng/nhà và 9 nhà được hỗ trợ 32 triệu đồng/nhà.
Từ khi làng Tày bên dòng suối Khuôn Pén được “phục dựng”, diện mạo làng Tân Lập bề thế, bản sắc hẳn. Đường bê tông nông thôn được trải vào tận ngõ, buổi tối “ánh sáng đường quê” được thắp lên. Sóng wifi hầu như nhà nào cũng có. Biết áp dụng cái văn minh hiện đại của công nghệ vào cuộc sống, song người dân làng Tân Lập luôn giữ gìn, phát huy tốt bản sắc văn hóa của mình.