TÌM HIỂU VĂN HÓA XÃ HỘI CỦA NGƯỜI H’MÔNG Ở SAPA

2233 lượt xem

1.Dân  số người Mông ở Sapa

Dân số toàn huyện Sapa theo thống kê 9/11/2019 là 81.857 người. Trong đó dân số người Mông chiếm khoảng 51,3%.

2.Trang phục của người Mông

Các loại hoa văn truyền thống trên trang phục của người Mông

Các hoa văn mà đồng bào người Mông thường dùng để trang trí lên quần áo hoặc các tác phẩm nghệ thuật là hình kỷ hà, dùng các hình vuông, hình tròn, hình tam giác, các đường thẳng song song hoặc zíc zắc…để tạo hình trên vật cần trang trí. Trang trí hoa văn trên các loại vải để làm trang phục  là một điều quan trọng để phân biệt với các ngành người Mông khác nhau trên đất nước như H’Mông đen, H’Mông trắng, H’Mông hoa,…Vải sau khi đã được nhuộm thì những cô gái người Mông sẽ khéo léo thêu lên cổ tay áo, thắt lưng để tạo thành một chiếc áo hoàn chỉnh.

Người H’Mông đặc biệt rất giỏi bố cục các hình tròn, hình vuông, các đường thẳng đường cong, các hình xoắn ốc để tạo thành những họa tiết có đường nét rất sinh động.Riêng người Mông đen chủ yếu sử dụng các hoa văn to bản. Những hoa văn được thêu trên cổ áo hay những chiếc thắt lưng đều do bàn tay khéo léo của các cô gái người Mông mô tả lại các hình ảnh thường nhật yêu thích. Có 3 nhóm hoa văn đặc trưng của người Mông đen ở Tả Van Sapa: họa hình động vật xung quanh; họa hình cây cỏ, hoa lá; và họa hình công cụ lao động.

Nhiều hoa văn rực rỡ sắc màu được sử dụng trong những tấm vải thổ cẩm

 

Mô tả hình động vật:

Trong khi làm việc, nếu bắt gặp một con ốc sên mà các cô gái thấy thích họ cũng có thể thêu lại hình ảnh đó trên chiếc áo của mình.Hoặc người Mông đen thường thêu hình móng lợn để thêu chăn tặng người yêu hoặc chăn đắp cho người đã mất.

Mô tả hình hoa lá, thực vật 

Người H’Mông đen thêu hình hoa bí để trang trí váy, thêu khăn tay tặng người yêu hoặc tấm đắp người mất. Hình hoa bí được người dân ở đây sử dụng rất nhiều vì hoa bí là nguồn thực phẩm chủ yếu của họ, nên họ đặc biệt yêu thích và thường sử dụng những hình hoa bí bản to để thêu lên áo cổ, thắt lưng.

Hoặc sử dụng hoa hồi (một vị thuộc chữa bệnh cho người nhiệt lưỡi, đau cổ,…) thường được thêu trong vải sử dụng cho ngày cưới, chăn đắp cho người mất. hoặc thêu tặng cho người yêu; hoa văn mô tả guồng quay.

 

Mô tả hình công cụ lao động

Hình mô tả khung quay sợi thường được dùng để thêu lên váy, đồ lưu niệm như ví, khăn, chăn của người Mông đen,…

 

2.Màu sắc

Màu lạnh được người Mông đen sử dụng làm trang phục

 

Màu sắc chủ yếu của người Mông đen ở Tả Van sử dụng là màu xanh lá và màu tím.Màu sắc của người H’Mông được sử dụng khá hài hòa chủ yếu là những màu lạnh để mô tả cuộc sống xung quanh cây cỏ núi rừng của họ.

3.Cách thức tạo hoa văn

Người Mông Sapa có 3 kỹ thuật cơ bản để tạo các hình hoa văn, trang trí cho trang phục. Mỗi kỹ thuật có ưu nhược điểm riêng, có những cái khó khăn nhất định nhưng dưới bàn tay khéo léo tài hoa của những cô gái Mông Sapa, kỹ thuật dù khó đến đâu cũng tạo nên những tác phẩm tuyệt vời.

Kỹ thuật dùng sáp ong:

Người Mông dùng sáp ong để trong chậu than để cho sáp chảy ra.Bút để vẽ có đầu làm từ 3 miếng đồng ghép lại và thân bút làm bằng gỗ.Những cô gái Mông sẽ dùng bút, chấm vào bát sáp ong và vẽ trực tiếp lên vải lanh. Kỹ thuật này đòi hỏi người vẽ hoa văn phải vô cùng tập trung có tính chính xác cao bởi nếu đã vẽ ra thì sẽ không sửa được nữa, vì thế người làm công việc này phải thật tinh tế, sáng tạo và có tính thẩm mĩ. Kỹ thuật công phu đòi hỏi sự tài tình này có vẻ đang bị mai một theo thời gian bởi sự phức tạp cũng như yêu cầu cao của nó.

Việc nhuộm chàm nhiều lần cũng tạo nên những sắc khác nhau cho hoa văn. Những hoa văn màu trắng được nhuộm 1 đến 2 lần, hoa văn được vẽ lên vải trắng có màu trắng ngà, hoa văn có màu xanh nhạt thì sau khi nhuộm chàm 1 lần người Mông sẽ vẽ sáp lên lớp hoa văn đó và nhuộm cho đến khi ưng ý.

Kỹ thuật vẽ bằng sáp ong cầu kì của người Mông

 

Kỹ thuật dùng chỉ màu

Một kỹ thuật khác mà thường được dùng ngày nay hơn đó là kỹ thuật thêu.So với việc dùng sáp vẽ trực tiếp và nhuộm chàm kỹ thuật này không đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối ngay bởi sau khi nhuộm chàm các cô gái mới bắt đầu thêu lên những hình vẽ mà mình mong muốn. Những cô gái người H’Mông thường thêu theo chữ “x” hoặc thêu lát các màu với nhau. Những hoa văn cũng do mỗi người sang tạo nên cũng vô cùng độc đáo, sáng tạo và đa dạng.

Kỹ thuật ghép vải

Người Mông còn dùng cả vải để ghép thành hình hoa văn. Ở kỹ thuật này, người may sẽ dùng các mảnh vải với các màu khác nhau để may lên áo. Họ thường dùng cách này để làm các đường viền nhằm làm nổi lên các hoa văn đã thêu có sẵn.Những màu được dùng chủ yếu như màu đỏ, màu xanh lam, màu xanh lá cây, và trắng. Các miếng vải được khéo léo nối với nhau qua các đường kim mũi chỉ gọn gàng uyển chuyển dưới bàn tay khéo léo của những cô gái H’Mông tạo nên những hoa văn vô cùng đẹp mắt nổi bật.

Kỹ thuật nhuộm chàm của người Mông Sapa

Kỹ thuật nhuộm chàm của đồng bào người Mông Sapa

 

Nhuộm chàm là một bước rất quan trọng trong việc tạo nên những hoa văn sống cho vải mà người Mông thường làm.Chàm là loại cây có thể chữa sốt và giải độc, người dân H’Mông dùng lá chàm để nhuộm vải. Người Mông lấy lá chàm đem ngâm và ủ trong thùng  lớn được ghép từ gỗ từ 3 ngày đến 1 tuần thì sẽ có nước chàm có màu xanh lá cây dùng để nhuộm. Sau đó trộn vôi vào để hơn 1 tiếng để giữ màu và làm đậm nước chàm, nếu chúng ta nhuộm chàm nhiều lần thì vải có thể ra màu đen.

Để có thể giữ năm này qua năm khác người Mông dùng vôi trộn với nước chàm trong 1 ngày sau đó đổ nước ra và lấy bã ở dưới. Qua năm, chỉ cần lấy bã pha với nước tro để 1,2 ngày cho lắng cặn rồi thử nước và nhuộm. Thường phải mất từ 2, 3 tháng mới có thể hoàn thành việc nhuộm cho 1 miếng vải lớn (rất tốn thời gian).

Lá chàm ngâm ra sau khi nhuộm vải sẽ có mùi khó chịu đến nỗi ngăn được côn trùng, chống đỉa, vắt khi đi làm.

Nhuộm chàm làm trang phục đi làm để chống đỉa, vắt

 

Sau cùng để có được một miếng vải may quần áo bóng, đẹp thì người Mông phải nhuộm thêm một lần nữa với sáp ong. Sáp ong ngâm trong nước chàm, đến khi nước chuyển màu đen thì đem nhuộm. Người nhuộm dùng sáp ong bôi lên mặt vải, tiếp theo lăn đá cho đến khi miếng vải cứng, đen bóng. Kỹ thuật này gọi là “nhuộm chàm khô”, nó giúp cho miếng vải đẹp hơn, áo khi may lên cũng giữ dáng và giữ được lâu hơn.

Những hoa văn tạo bằng sáp ong còn cầu kì hơn, nó thường được đổ rượu lên miếng vải trước khi đem nhuộm để giữ màu thấm hơn.Trong quá trình nhuộm vải, cứ 30 phút lại lấy ra phơi khô rồi nhuộm tiếp cho đến khi được màu như ý muốn, sau đó cho nước sôi vào vải để bong sáp ong.Một sản phẩm được nhuộm chàm chất lượng là sản phẩm có màu đậm, với những đường nét rõ ràng trên vải.

Mỗi hoa văn là tâm tư tình cảm của người vẽ, người thêu trên từng đường sáp ong, trên từng mũi thêu của các cô gái người Mông. Những hoa văn đó rất giản dị đơn giản nhưng vẽ nên một bức tranh văn hóa đặc biệt của riêng người H’Mông đen Sapa nói riêng, của dân tộc Việt Nam.

  1. Ẩm thực

Đến Sapa ăn món ăn của người Mông

Đặc sản truyền thống của người dân tộc Mông, không thể không nhắc đến món mèn mén – 1 món ăn thường xuyên góp mặt trong các dịp lễ hội, tết, phiên chợ.

Không khó để làm nhưng mèn mén đòi hỏi sự công phu và tốn nhiều thời gian.Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, mèn mén ngon nhất phải được làm từ giống ngô tẻ địa phương.Bắp ngô được đưa ra bóc vỏ, tẽ hạt rồi dung cối đá xay nhỏ, đặt lên chảo nước rồi đun. Mèn mén khi đã chín có vị thơm rất đậm đà, một trong những gia vị không thể thiếu khi ăn kèm đó là tương ớt, đậu xị và rau thơm.

Một món ăn dân dã, không thể không nhắc đến là phở chua Bắc Hà. Khác với những loại phở bình thường, phở chua cần bánh phở, nước chua, dưa muối chua, tàu xì, lạc rang, tương ớt. Sở dĩ nói đây là 1 món ăn dân dã vì bánh phở được làm từ loại gạo địa phương, đặc biệt là tàu xì được chế biến rất công phu, mất đến 3 tháng để có 1 hũ tàu xì ngon.

Phở chua Bắc Hà là 1 món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm

Thắng cố – món ăn cặp đôi với rượu Ngô Bản phố

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến là món thắng cố – niềm tự hào của người miền núi. Thắng cố được làm từ thịt lợn, thịt chó, thịt dê… và các loại xương, ngũ tạng rửa sạch, nêm gia vị rồi ninh lên thành món tổng hợp. Cũng đã có rất nhiều nhà hàng có loại đặc sản này, nhưng không nơi đâu thắng cố có 1 hương vị đặc biệt như hương vị của miền núi nơi đây.

Đến với Sapa, không chỉ được thưởng thức không khí nhẹ nhàng, thoáng đãng của vùng rừng núi, mà còn được thưởng thức rất nhiều những món ăn truyền thống – một nét đặc sắc riêng của người miền núi, đặc biệt là người H’mong.

 

 

 

5.Phong tục tập quán

Đồng bào có câu “Lửa cháy đến đâu người Mông theo đến đó” hay “Người chạy theo nương” để nói về cuộc sống du canh nương rẫy. Sản phẩm nông nghiệp chính là ngô, lúa nương, khoai, mạch ba góc, ý dĩ, lạc, vừng, đậu và các loại rau… ở một vài nơi có ruộng bậc thang. Các loại quả táo, đào, mận, lê cũng rất nổi tiếng và đồng bào còn trồng cả các loại cây thuốc như tam thất, xuyên khung, đảm xâm…

Nghề dệt vải lanh là một trong những hoạt động sản xuất đặc sắc của người H’mông. Họ phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng; làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân. Các thợ thủ công H’mông phần lớn là thợ bán chuyên nghiệp, làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, dao, cuốc, xẻng, nòng súng đạt trình độ kỹ thuật cao.

Người H’mông sống quần tụ trong từng bản có vài chục nóc nhà, họ thường thích sống khép kín, nhiều nơi đồng bào xây tường đá ngang đầu quanh nhà ở. Nhà cửa là loại nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Phổ biến là nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh. Quanh làng vẫn còn lại đến ngày nay những ngôi nhà của người H’mông giàu có, trình tường xung quanh, cột gỗ thông kê trên đá tảng hình đèn lồng hay quả bí, mái lợp ngói âm dương có gác lát ván.

Các vùng người H’mông sinh sống thường có chợ phiên, vừa là nơi trao đổi hàng hoá, vừa là nơi thể hiện nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt.Người H’mông quen dùng ngựa thồ hàng và cưỡi đi chợ, gùi có hai quai đeo vai. Con ngựa rất gần gũi và thân thiết với từng gia đình người H’mông. Chợ tình được tổ chức mỗi năm một lần (chợ tình Sa Pa) là một nét văn hoá đẹp đặc sắc của người H’mông.

Người H’mông rất coi trọng dòng họ, họ quan niệm: người cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ nhau, cưu mang nhau. Mỗi dòng họ cư trú quây quần thành một cụm, có một trưởng họ đảm nhiệm công việc chung. Phong tục cấm ngặt những người cùng họ lấy nhau.Tình cảm gắn bó giữa những người trong họ sâu sắc.Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe.

Người H’mông cũng như nhiều dân tộc ít người khác tồn tại tín ngưỡng đa nguyên.Thờ cúng tổ tiên là thờ những người trong gia đình đã chết ba đời trở lại. Thờ cúng tổ tiên ở tất cả gia đình những người con trai đã tách ra ở riêng chứ không phải chỉ con trưởng. Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, người H’mông còn tồn tại một hệ thống ma nhà với những lễ thức cúng bái riêng biệt.

Hôn nhân gia đình của người H’mông theo tập quán tự do kén chọn bạn đời. Những người cùng dòng họ không lấy nhau.Thanh niên nam nữ được lựa chọn bạn đời.Việc lựa chọn bạn đời được biểu hiện ở tục “cướp vợ” trước đây. Người thanh niên cùng bạn bè cướp người con gái yêu thích về ở nhà mình vài hôm rồi thông báo cho gia đình nhà gái biết. Vợ chồng người H’mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hòa thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ…

Trang phục của người phụ nữ H’mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm dân tộc, gồm: váy, áo xẻ ngực có yếm lưng, tấm xiêm che trước bụng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp quấn hai bụng chân. Váy hình nón cụt, xếp nếp xòe rộng chữ thập trong các hình vuông, nhưng váy mang hình ống, khi mặc mới xếp nếp thắt lưng ngoài cạp; Áo mở chếch ngực về phía bên trái, cài một khuy, cánh tay, cổ áo, gấu áo đều thêu hoa văn…Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn.

Trang phục của đàn ông H’mông giống như đàn ông Nùng: quần dài, đũng chân què cạp lá tọa, áo ngắn ống rộng cổ đứng mổ bụng khuy cài, quần áo đều màu chàm.

Người H’mông có đời sống văn nghệ khá phong phú, đặc biệt là văn học truyền miệng có rất nhiều thể loại, như Truyện thần thoại về anh hùng văn hóa tìm ra loại giống và dạy người H’mông cách trồng ngô, lúa, trồng lanh làm vải mặc … Truyện cổ tích về các con vật chiếm khá nhiều, đặc biệt là truyện về hổ…

Người H’mông say đắm dân ca dân tộc mình, đó là Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuống)… mà họ thường hát khi lao động nương rẫy, trong lúc se sợi dệt vải, trong khi đi chợ, đi hội.

Trong những dịp lễ hội, đặc biệt là hội Gầu tào (đón năm mới), những bài hát dân ca này không chỉ thể hiện bằng lời mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ dân tộc (sáo, khèn, kèn lá, đàn môi…). Thanh niên thích chơi khèn, vừa thổi vừa múa.Kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình. Sau một ngày lao động mệt mỏi, thanh niên dùng khèn, đàn môi gửi gắm và thể hiện tiếng lòng mình với bạn tình, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống, của quê hương, đất nước.

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc H’mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để phát triển mà không bị hoà tan, mất bản sắc, thì việc bảo tồn văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tâm huyết, bền bỉ, lâu dài. Có như thế những giá trị văn hoá sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy./.

 

Các tin liên quan

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
0985.939.885