Sự kiện kinh tế tháng 10: Cột mốc trọng đại của hai tập đoàn tư nhân lớn

78 lượt xem

Tháng 10 khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ghi dấu hai sự kiện lớn: ngày 2/10, VinFast (công ty con của tập đoàn Vingroup) ra mắt hai mẫu xe ô tô Việt và ngày 10/10 hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) cất cánh.

2/10: VinFast ra mắt hai mẫu xe tại Triển lãm quốc tế Paris Motor Show 2018

Ngày 01/10/2018, VinFast chính thức công bố tên gọi hai mẫu xe đầu tiên là LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV với ý nghĩa sang trọng, đẳng cấp và tiêu chuẩn hàng đầu.

VinFast đã hợp tác với những tên tuổi hàng đầu châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực ô tô như BMW, Bosch, Magna Steyr, Pininfarina… để mang đến cho LUX A2.0 và LUX SA2.0 sự hội tụ mang tên: “Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức – Tiêu chuẩn quốc tế”.

Vào 15h25 chiều ngày 2/10/2018 – giờ Việt Nam, VinFast sẽ chính thức ra mắt hai mẫu xe Sedan và SUV tại Triển lãm ô tô Paris – Paris Motor Show năm 2018.

Theo trang công nghệ hàng đầu thế giới Cnet, Việt Nam thường được biết đến với phương tiện giao thông chính là xe máy do giá rẻ và do đường xá đông đúc. Nếu xe hơi do Việt Nam sản xuất được bán trong nước, nó sẽ thay thế cách tham gia giao thông phổ biến hiện nay của người dân.

Trước đó, VinFast đã có một khởi đầu tốt đẹp về mọi thứ, đã khởi công nhà máy tại Hải Phòng vào tháng 9/2017.

15h25 chiều ngày 2/10/2018 – giờ Việt Nam, VinFast sẽ chính thức ra mắt hai mẫu xe Sedan và SUV tại Triển lãm ô tô Paris – Paris Motor Show năm 2018

10/10: Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết chính thức cất cánh

Mới đây, ngày 27/9, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị Tập đoàn về việc thông qua chủ trương cho phép Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – công ty con do FLC sở hữu 100%) thuê tàu bay, ký kết hợp đồng thuê tàu bay và các văn bản sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm.

Theo đó, Bamboo Airways quyết định thuê 3 chiếc A320 NEO chưa qua sử dụng của Gy Aviation, thay vì sử dụng tàu bay cũ như dự kiến trước đó. FLC cam kết bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ hợp đồng thuê.

Hãng hàng không này dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10.

Khi Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết chính thức cất cánh, thị trường hàng không Việt Nam sẽ không còn thế “chân vạc” (Vietnam Airlines – Vietjet Air – Jetstar Pacific) nữa mà sẽ là “tứ trụ” (Vietnam Airlines – Vietjet Air – Jetstar Pacific – Bamboo Airways).

Khác với VietJet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Bamboo Airways được hình thành từ tập đoàn mẹ là FLC – hiện thuộc nhóm doanh nghiệp bất động sản có quy mô vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Theo lãnh đạo FLC, hãng bay này ra đời từ chính nhu cầu nội tại của FLC – trong việc khai thác 6 quần thể nghĩ dưỡng lớn trải dài trên khắp Việt Nam (và sắp tới sẽ nâng lên 10 quần thể). Có Bamboo Airways, FLC sẽ có thể cung cấp các sản phẩm du lịch kết hợp lữ hành trọn gói.

Ghi dấu sự trưởng thành

Hai sự kiện kể trên ghi dấu sự chuyển hướng chiến lược của cả Vingroup và FLC, từ bất động sản sang các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao.

Vingroup đã cho thấy diện mạo của một tập đoàn công nghệ, không chỉ trực tiếp sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt VinFast mà còn thành lập cả Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, mời được những khoa học hàng đầu về đầu quân. Trong khi đó, FLC cũng chuyển mình, táo bạo đặt chân vào lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao – vận tải hàng không.

Tròn 1 năm trước, ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 98 đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Bãi bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết; Tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực; và Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.

Trên thực tế, kinh tế tư nhân nước ta những năm qua đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc; tỉ trọng trong GDP chiếm 39 – 40%; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

“Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ 5.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, các doanh nhân, doanh nghiệp, cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cụ thể. Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh. Chăm lo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ. Thực hiện nghiêm mọi quy định của pháp luật, nhất là quy định của pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ tài nguyên, môi trường…

Theo Nhà đầu tư

Các tin liên quan

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
0985.939.885