Y Tý – vùng đất gây thương nhớ

148 lượt xem

Từ một vùng đất hoang sơ, thơ mộng nhưng ít người biết đến, Y Tý (Bát Xát) đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Y Tý có nhiều lễ hội của người Hà Nhì đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Lên Lảo Thẩn “săn” mây

Chiếc lán nhỏ của chàng trai người Mông Vàng A Hòa nằm trên mỏm đồi ở độ cao 2.500 m so với mực nước biển, ngay dưới chân núi Lảo Thẩn là nơi nghỉ ngơi quen thuộc của những người đam mê leo núi chinh phục “Nóc nhà Y Tý”. Từ đây, du khách có thể hòa mình vào không gian rộng lớn và hùng vỹ của núi rừng, đặc biệt là ngắm cảnh hoàng hôn đẹp đến nao lòng. Sau hơn 2 tiếng vượt dốc, chị Di Linh cùng những người bạn từ Hà Nội, Nghệ An đã tới lán nghỉ lúc 16 giờ, kịp thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng khi mặt trời lặn dần xuống dãy núi xa.

Chị Linh cho biết: Đây là lần thứ 3 tôi đến Y Tý tham quan, ngắm cảnh, nhưng lần này mới có cơ hội chinh phục đỉnh Lảo Thẩn cao 2.860 m so với mực nước biển. Cung đường không quá khó kể cả với người trung tuổi như tôi, còn phong cảnh ở đây thật tuyệt vời, các porter rất nhiệt tình. Sáng mai chúng tôi sẽ lên đỉnh núi để ngắm cảnh mặt trời mọc và biển mây.

Trong khi đoàn khách leo núi mải mê ngắm cảnh hoàng hôn và tha hồ chụp ảnh khoe với bạn bè, thì Vàng A Hòa cùng mấy anh em porter tất bật chuẩn bị bữa tối cho cả đoàn. Bữa cơm có thịt gà nướng thơm nức, thịt lợn bản xào, rau bắp cải luộc, canh rau rừng… Ngồi bên bếp lửa, A Hòa bảo năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách leo núi ít hơn. Tuy vậy, lán của anh vẫn đón hơn 300 lượt khách. Dịp cuối năm có nhiều tín hiệu vui vì những ngày cuối tuần, lán thường đông khách lên nghỉ leo núi Lảo Thẩn.

Buổi tối, sau bữa ăn đặc biệt trong ánh đèn điện thoại, tôi cùng đoàn khách leo núi ngủ tại lán A Hòa trong cái lạnh tái tê đầu đông. Các thành viên kể cho nhau nghe những kỷ niệm khó quên khi đến Y Tý, đặc biệt là trên hành trình leo núi Lảo Thẩn. Marius Long, chàng trai có bố người Pháp, mẹ người Việt Nam tâm sự: Tôi rất yêu quê hương thứ hai của mình là Việt Nam, nên về đây sinh sống hơn 1 năm qua tại Sài Gòn. Tôi đã đến nhiều nơi có phong cảnh đẹp ở Việt Nam như Hà Giang, Lai Châu, Đà Lạt, Sa Pa, nhưng đến Y Tý, cảm giác thật khó diễn tả. Tôi đã chụp được nhiều bức ảnh đẹp khi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn. Đây là chuyến leo núi để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng với tôi.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Những năm gần đây, bên cạnh địa danh du lịch đã nổi tiếng của Lào Cai là Sa Pa, Bắc Hà, thì Y Tý như một “ngôi sao” mới nổi trên bản đồ du lịch nhưng đã thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Chỉ cần lên mạng Google gõ tên Y Tý, chỉ trong tích tắc đã hiển thị ra 20,7 triệu kết quả liên quan đến cụm từ này. Đó hầu hết là những bài viết, hình ảnh về vẻ đẹp của Y Tý trên các trang báo điện tử, website du lịch với lượng người đọc và theo dõi, chia sẻ rất lớn.

Đến với vùng đất Y Tý vào bất cứ mùa nào trong năm, du khách đều có thể thưởng thức được vẻ đẹp riêng, có lẽ vì thế mà có bài báo còn giật tít: “Y Tý – cảnh đẹp mê ly cả 4 mùa: Vùng đất khiến du khách trở lại 10 lần chưa chán”. Nếu đã từng đến Y Tý, chắc chắn ai cũng có chung nhận định vùng đất này luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ với du khách. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, núi non hùng vỹ, những dòng suối trong vắt chảy ra từ rừng cổ thụ, điểm săn mây lý tưởng trên núi Ngải Thầu Thượng.

Đặc biệt, lên Y Tý, bạn có thể khám phá bản làng người dân tộc Hà Nhì với những ngôi nhà đất đẹp như cổ tích ở Lao Chải, Choản Thèn, Tả Dì Thàng, Mò Phú Chải… Y Tý có cầu Thiên Sinh bắc qua phiến đá xẻ đôi nối Việt Nam – Trung Quốc, có quần thể ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả đã được công nhận là di sản cấp quốc gia. Y Tý có nhiều sản vật hấp dẫn như rau quả ôn đới (bắp cải, su hào, lê, đào, mận, nấm hương rừng, củ hoàng sin cô), ngoài ra còn có cá hồi, cá tầm, lợn “cắp nách”, vịt, gà bản… làm say lòng thực khách.

Chính vì những vẻ đẹp tuyệt vời như vậy đã giúp Y Tý thu hút nhiều du khách. Năm 2019, Y Tý đón hơn 16.000 lượt khách du lịch, trong đó hơn 100 khách nước ngoài, doanh thu từ du lịch đạt hơn 6 tỷ đồng. Con số này tuy nhỏ bé so với Sa Pa, nhưng là dấu ấn đối với du lịch nơi đây. Còn 9 tháng năm 2020, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng du khách giảm nhiều, nhưng Y Tý cũng đón khoảng 8.000 lượt khách.

Năm 2015, Y Tý mới có 2 homestay phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách nhưng đến nay trên địa bàn xã đã có gần 20 homestay, nhà nghỉ, trong đó một số homestay được nhiều du khách chọn lưu trú, thường kín phòng những ngày cuối tuần như Y Tý clouds homestay; Y Tý Discovery; homestay A Mờ; homestay A Hờ; homestay Xá Hà Nhì…

Xây dựng đô thị du lịch Y Tý

Với nhiều tiềm năng sẵn có được thiên nhiên ban tặng cũng như những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc mà đồng bào các dân tộc tạo ra, Y Tý đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, tiềm năng du lịch của Y Tý vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Y Tý vẫn giống như nàng công chúa xinh đẹp ngủ trong rừng cần được đánh thức.

Để khai thác tiềm năng du lịch Y Tý, biến vùng đất này trở thành Sa Pa thứ 2 của Lào Cai, thời gian qua, huyện Bát Xát và tỉnh đã nghiên cứu đưa ra các phương án, giải pháp giúp du lịch nơi đây cất cánh. Y Tý là 1 trong 6 phân khu trọng điểm của Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 7/7/2020, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai và UBND huyện Bát Xát đã công bố Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý.

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh thì khu đô thị du lịch Y Tý có diện tích hơn 8.600 ha, trong đó tập trung phát triển đô thị vùng lõi là hơn 3.100 ha. Đô thị du lịch Y Tý trong tương lai sẽ phát triển thành 2 vùng với 7 phân khu rõ rệt, bao gồm khu bảo tồn, phát triển du lịch cộng đồng; khu công viên chuyên đề và du lịch nghỉ dưỡng; khu thể thao, nghỉ dưỡng; khu trung tâm hành chính; khu du lịch thực nghiệm, khám phá thiên nhiên; khu phát triển đô thị và khu phát triển, sản xuất nông – lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Việc công bố quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý sẽ làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng; đề xuất các chương trình ưu tiên đầu tư, các quy định kiểm soát phát triển đô thị, các điểm dân cư nông thôn và các khu du lịch trong tương lai… Quy hoạch này cũng sẽ tạo nền móng cho một khu đô thị du lịch mới gắn với bảo tồn và phát triển bền vững mang đặc trưng vùng núi Tây Bắc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định du lịch là một khâu đột phá, trong đó có phát triển du lịch Y Tý. Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025  cũng xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá của huyện, trong đó tập trung phát triển, xây dựng Y Tý trở thành trung tâm du lịch của tỉnh. Việc công bố quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý sẽ là cơ sở để mời gọi đầu tư, phát triển khu vực Y Tý đạt đô thị loại V, tiến tới thành lập thị trấn Y Tý vào năm 2025

Các tin liên quan

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
0985.939.885